Năng lượng xanh góp phần định hình tương lai phát triển bền vững
02-04-2025

Tiềm năng phát triển năng lượng xanh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, năng lượng xanh hay năng lượng tái tạo ngày càng được coi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Nguồn năng lượng này được tạo ra từ các tài nguyên tự nhiên không giới hạn hoặc có thể tái tạo nhanh chóng, như ánh sáng mặt trời, gió, nước, sinh khối và hydro xanh. Không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường so với các nguồn năng lượng truyền thống như than đá hay dầu mỏ, năng lượng xanh còn góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên không tái tạo, hạn chế biến động giá năng lượng và tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế.

 Phát triển năng lượng xanh là xu thế tất yếu và Việt Nam nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng này. Ảnh minh họa

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Việt Nam hội tụ đầy đủ những đặc điểm về địa lý và khí hậu lý tưởng để phát triển mạnh mẽ các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm nhà máy điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, cũng như các dự án năng lượng từ hydro xanh. Điều này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, định hướng phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam năm 2025, ông Chử Văn Lâm – Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đặt ra từ 8% vào năm 2025 và hướng tới mức từ 10% trở lên giai đoạn từ 2026, đòi hỏi nhu cầu điện năng phải tăng từ 12 đến 16% mỗi năm. Điều này đòi hỏi sự điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển điện, kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh với tốc độ ứng dụng công nghệ cao.

Năng lượng xanh hướng đến tương lai phát triển bền vững

Việt Nam tiếp tục được dự báo là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 3 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất nhóm 30 nước mới nổi tại châu Á. Sự hợp tác quốc tế không chỉ thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo mà còn giúp các nước gặp khó khăn tiếp cận công nghệ mới, giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Đặc biệt, với mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nhu cầu điện của các ngành kinh tế điện hóa sẽ tăng mạnh, đòi hỏi phải có giải pháp năng lượng xanh hiệu quả và bền vững.

Nhiều doanh nghiệp đã và đang đi đầu trong việc ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng xanh. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một điển hình tiêu biểu. Ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc điều hành sản xuất Vinamilk cho biết, hệ thống 13 nhà máy của Vinamilk hiện đã đạt chuẩn quốc tế, với 87% năng lượng xanh thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, 100% hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng và kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064. Vinamilk đặt ra lộ trình giảm 15% khí nhà kính vào năm 2027, giảm 55% vào năm 2035 và hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 thông qua các giải pháp sử dụng nguyên liệu bền vững, bao bì phát thải thấp và phát triển sản phẩm carbon thấp.

Bên cạnh đó, với công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng thông minh, Công ty Huawei đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Ông Nguyễn Hữu Đoàn – Trưởng phòng giải pháp Huawei Digital Power cho biết, các giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh và chiến lược trung hòa carbon của Việt Nam.

Tại Công ty TNHH Dụng cụ AN MI đã thực hiện một số giải pháp như gia tăng diện tích cây xanh, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời toàn bộ mái nhà xưởng để sản phẩm sử dụng năng lượng xanh, giảm thiểu tái chế bằng cách nâng cao hiệu suất sản xuất.

Trong khi đó, doanh nghiệp PPJ Group do ông Đặng Vũ Hùng – Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc PPJ Group lãnh đạo, đã đầu tư hàng chục triệu USD cho chuyển đổi xanh. Ông Đặng Vũ Hùng nhận định, mặc dù chi phí chuyển đổi ban đầu khá lớn, nhưng cái giá của việc chậm chuyển đổi hoặc không chuyển đổi sẽ còn cao hơn nhiều. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang đối mặt với thách thức về chi phí đầu tư công nghệ và sản xuất, khiến giá thành sản phẩm tăng so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, chuyển đổi xanh mang lại lợi ích lâu dài không chỉ đáp ứng yêu cầu của khách hàng về tiêu chí xanh mà còn giúp giảm chi phí và ổn định sản xuất trước những biến động của thị trường.

Nhận thức được khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế và dân số, Việt Nam đang tích cực giải quyết các mối lo ngại về biến đổi khí hậu trong bối cảnh chính sách, tập trung vào các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững và thích ứng.

Theo PGS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, thực tiễn phát triển cho thấy, năng lượng không chỉ là yếu tố then chốt mà còn quyết định khả năng phát triển bền vững của quốc gia, là huyết mạch cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Với vai trò quan trọng của lĩnh vực năng lượng với nền kinh tế, Đảng, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã và đang tích cực xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển lĩnh vực này. Trong đó, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang được tích cực nghiên cứu. Năng lượng nguyên tử rất quan trọng góp phần đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng xanh còn một số băn khoăn với các nhà đầu tư.

“Kỳ vọng qua diễn đàn này, các nhà đầu tư hiểu rõ những chính sách của Đảng, Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng mới để có hướng nghiên cứu và hợp tác”, PGS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng nâng tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió trên bờ, điện mặt trời), nguồn điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, điện địa nhiệt, lưu trữ và nguồn điện linh hoạt, đặc biệt là bổ sung nguồn điện nguyên tử hạt nhân với công suất đạt khoảng từ 6.000 - 6.400 MW, dự kiến vận hành vào giai đoạn 2030 – 2035. Đây là nguồn năng lượng được xác định không chỉ cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà còn là nguồn năng lượng xanh, sạch giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp hướng tới phát thải ròng bằng 0.

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng việc chuyển đổi sang năng lượng xanh vẫn gặp phải nhiều thách thức. Đầu tiên là vấn đề chi phí đầu tư ban đầu cao cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, những thách thức này không phải là không thể vượt qua, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cùng với những sáng kiến và chính sách hỗ trợ của các chính phủ và tổ chức quốc tế, sẽ giúp giảm thiểu chi phí và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ các nhà đầu tư cũng là yếu tố quan trọng trong việc phát triển năng lượng xanh, khi nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhận ra lợi ích lâu dài từ việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.

Nhìn chung, chuyển đổi xanh đang trở thành yêu cầu bắt buộc của các doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu chuyển mình mạnh mẽ về mặt môi trường và kinh tế. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sáng kiến công nghệ tiên tiến và sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững.

Nguồn bài viết: https://vietq.vn/nang-luong-xanh---dinh-hinh-tuong-lai-phat-trien-ben-vung-d231959.html

Ngày đăng: 02-04-2025

Tác giả: Duy Trinh

loading-gif
mess-icon zalo-icon call-icon group-icon