Công nghiệp chế tạo, trụ cột mới cho giấc mơ công nghiệp hóa
02-07-2025

Công nghiệp chế biến, chế tạo được xác định là động lực tăng trưởng chủ lực, đóng vai trò trung tâm trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vai trò xương sống, động lực chính của tăng trưởng 

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua.

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển năng động nhất trên thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 6-8%. Quy mô GDP năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD; GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt khoảng 4.700 USD.

Công nghiệp chế biến chế tạo được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế. Ảnh: QN
Công nghiệp chế biến chế tạo được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế. Ảnh: QN

Theo đó, Việt Nam trở thành nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu rất cao khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD. Một trong những động lực chính dẫn đến tăng trưởng GDP là sự tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong đó có sự đóng góp đáng kể của ngành chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 tăng 8,4% so với năm 2023.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%, đóng góp 8,4 điểm phần trăm vào mức tăng của GDP trong năm 2024; tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 25,58 tỷ USD, chiếm 66,9% tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký. Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng tích cực, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, ngành này đóng góp 3,62% vào tăng trưởng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Điều đó cho thấy khu vực công nghiệp (đặc biệt là sản xuất chế tạo) giữ vai trò xương sống trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, đồng thời là nguồn chính tạo ra chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương tại hội thảo: “Con đường công nghiệp hóa của Việt Nam trong kỷ nguyên mới” diễn ra mới đây, TS. Phạm Văn Quân, Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp nhìn nhận, doanh nghiệp công nghiệp bao gồm khối FDI và doanh nghiệp trong nước được xem là trụ cột quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa.

Thực tế cho thấy khu vực doanh nghiệp (đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI) đã đưa Việt Nam trở thành điểm sản xuất công nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu: Việt Nam hiện là cơ sở sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc), với xuất khẩu điện thoại & linh kiện đạt 53,9 tỷ USD năm 2024. Nhiều tập đoàn công nghiệp với nhà máy quy mô lớn, công nghệ hiện đại đã xuất hiện, từ khu tổ hợp Samsung (điện tử) ở Bắc Ninh, Thái Nguyên đến nhà máy VinFast (ô tô) ở Hải Phòng, hay Hòa Phát (thép) ở Dung Quất. Một số doanh nghiệp nội địa như Thaco, Vinamilk, Masan... đã vươn tầm khu vực.

Đáng chú ý, phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều kiện tiên quyết để công nghiệp hóa thành công bền vững. Nhiều doanh nghiệp phụ trợ nội địa (như Nhựa Minh Ngọc, Cao su Sao Vàng, linh kiện ô tô Trường Hải...) cũng từng bước tham gia được vào chuỗi của các hãng lớn. Xu hướng “Trung Quốc +1” đang là thời cơ để doanh nghiệp Việt trở thành nhà cung ứng mới cho các tập đoàn toàn cầu. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể vươn lên các phân khúc cao hơn (nhà cung cấp cấp 2, cấp 1), qua đó nâng tỷ lệ nội địa và giá trị gia tăng cho ngành chế tạo.

Mục tiêu công nghiệp hóa lấy công nghiệp chế biến chế tạo làm trọng tâm

Theo Cục Công nghiệp, bên cạnh những thành tựu, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Mặc dù được xác định là đầu tàu, động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng trình độ đạt được của công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay còn thấp xa so với yêu cầu của một nước công nghiệp. Khả năng cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo còn yếu so với các nước trong khu vực. Do độ mở kinh tế lớn, ngành công nghiệp chế biến chế tạo phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới.

Công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu, khiến phần lớn linh kiện, nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu nên doanh nghiệp chế tạo chỉ tham gia khâu thấp của chuỗi (lắp ráp). Hiện tỷ lệ nội địa hóa nhiều sản phẩm còn rất thấp. Đơn cử linh kiện nội địa trong lắp ráp ô tô con dưới 15%, trong điện tử chỉ khoảng 5-10% (ngoài bao bì). Thực trạng này dẫn đến chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp và dễ đứt gãy khi chuỗi cung ứng biến động.

Trước thực trạng trên, theo TS. Phạm Văn Quân, sức mạnh của công nghệ sản xuất quyết định sức mạnh của quốc gia và sức mạnh của công nghiệp chế biến là chìa khóa để các quốc gia đổi mới mô hình tăng trưởng, tiến lên nấc thang cao hơn của sự phát triển.

TS. Phạm Văn Quân thông tin thêm, về mặt chủ trương chúng ta đã có chiến lược  tự lực tự cường, gần đây nhất với Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, mở đường cho một nền công nghiệp hiện đại, ít phát thải, sử dụng công nghệ sạch và số hóa toàn diện. Đặc biệt khuyến khích các mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, Nghị quyết đã tập trung vào việc tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời đặt mục tiêu tăng tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nhau.

“Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 ban hành danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược.Theo quyết định của Thủ tướng, danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược có 11 nhóm công nghệ chiến lược với 32 nhóm sản phẩm công nghệ chiến lược”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu rõ và khẳng định, hiện Cục Công nghiệp cúng đang xây dựng dự thảo Luật công nghiệp nền tảng với các cơ chế ưu đãi đặc thù về ngành hàng bao gồm: Công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ cao; Công nghiệp vật liệu, luyện kim; Công nghiệp điện tử; Công nghiệp cơ khí chế tạo; Công nghiệp thực phẩm và sinh học; Công nghiệp dệt may, da - giày; Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

“Ngoài ra, chúng tôi còn có 2 Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất để các doanh nghiệp mong muốn đến thử nghiệm các sản phẩm trước khi sản xuất đại trà. Việc triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phát triển công nghiệp cấp vùng tại các vùng kinh tế trọng điểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải thiện kỹ thuật sản xuất và kết nối giao thương. Quan trọng hơn là hướng tới mục tiêu tạo giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp”- TS. Phạm Văn Quân nói.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa lấy công nghiệp chế biến chế tạo làm trọng tâm. Vì vậy, nguồn lực xã hội cần tập trung vào việc xây dựng và nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước (bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ trên toàn chuỗi), có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước có thể lớn mạnh, tạo ra giá trị gia tăng trong nước lớn hơn, kết nối được với khu vực đầu tư nước ngoài, và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Để vượt qua những thách thức hiện tại, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung vào một số giải pháp thiết thực như đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư và xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cần chú trọng vào việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới.

Nguồn bài viết: https://congthuong.vn/cong-nghiep-che-tao-tru-cot-moi-cho-giac-mo-cong-nghiep-hoa-408599.html

Ngày đăng: 02-07-2025

Tác giả: Sưu tầm

loading-gif
mess-icon zalo-icon call-icon group-icon