Kết nối cung – cầu, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Hoạt động kết nối cung-cầu công nghệ là một trong các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát triển thị trường KHCN của Việt Nam, là hoạt động định kỳ, thường xuyên được các cơ quan hữu quan từ Trung ương đến địa phương quan tâm, triển khai ở quy mô quốc gia, vùng; qua đó xác định nhu cầu công nghệ và kết nối với nguồn cung công nghệ phù hợp; thực hiện hoạt động tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ và tiếp cận với các quỹ đầu tư, kênh tài chính trong nước và quốc tế; khai thác và đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới vào thực tiễn; tổ chức tôn vinh các doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Với vai trò của mình, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã nỗ lực xây dựng và phát triển các chợ công nghệ và thiết bị (techmart). Thông qua các chợ công nghệ này, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã ký được nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ, giúp nhiều doanh nghiệp sử dụng được công nghệ của Việt Nam. Cụ thể đã tổ chức được 4 kỳ Chợ Công nghệ và thiết bị (Techmart) quy mô quốc gia và quốc tế, 20 Techmart và Trình diễn, Kết nối cung – cầu công nghệ (TechDemo) quy mô vùng và chuyên ngành.

Tại địa phương, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hợp tác đầu tư nghiên cứu ứng dụng, phát triển đổi mới công nghệ giữa các đơn vị; đồng thời, giới thiệu xu hướng công nghệ mới và những kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào sản xuất, hướng đến hình thành thị trường công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm quốc tế nông nghiệp Việt Nam 2020, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ vừa tổ chức chuỗi sự kiện Trưng bày, trình diễn công nghệ, Hội thảo giới thiệu công nghệ năm 2020. Ðây là dịp để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp trao đổi thông tin về cơ hội, thách thức, vướng mắc, giải pháp… trong thúc đẩy kết nối cung – cầu công nghệ. Ðồng thời, sự kiện còn trưng bày, giới thiệu hơn 200 công nghệ, thiết bị, quy trình/sản phẩm công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp, viện, trường vùng ÐBSCL và các tỉnh lân cận, thuộc các lĩnh vực chế biến nông thủy sản, cơ khí tự động hóa, xử lý nước, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện kết nối nhưng việc hợp tác chuyển giao còn nhiều hạn chế, nghịch lý nhiều năm vẫn tồn tại là cung và cầu công nghệ vẫn chưa gặp nhau. Nhiều công trình có tính ứng dụng cao chưa tìm được doanh nghiệp để chuyển giao, trong khi doanh nghiệp đau đáu đi tìm những công trình khoa học để biến thành những sản phẩm có thể thương mại hóa và mang lại giá trị cho xã hội.

Một số giải pháp được đưa ra như các đơn vị nghiên cứu cần chủ động tạo kênh thông tin về các kết quả đề tài khoa học để doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tiếp cận. Thông qua kênh này, các mong muốn đặt hàng của doanh nghiệp cũng sẽ được thể hiện để thúc đẩy sự hợp tác nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống, mạng lưới thu thập, nắm bắt thông tin về nhu cầu công nghệ của địa phương, doanh nghiệp để triển khai các hướng nghiên cứu. Hơn thế nữa, các đơn vị nghiên cứu cần chủ động truyền thông, giới thiệu các đề tài để doanh nghiệp giảm thời gian, công sức, chi phí tìm kiếm các đề tài chuyển giao.

Cần thiết phải thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KHCN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường KHCN và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, chính điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp.

Đăng ngày: 25/11/2020